Cồn trong cơ thể cần rất nhiều thời gian để phân hủy, do đó, tài xế muốn lái xe an toàn cần tránh loại đồ uống này trước nhiều giờ.
Rạng sáng 3/1, tài xế Phạm Thành Hiếu, người điều khiển chiếc xe đầu kéo Hyundai HD700 mang biển kiểm soát 62C-043.48 tông vào 25 xe máy dừng đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức), làm chết 4 người và 18 nạn nhân bị thương, được đưa đi xét nghiệm. Qua 2 lần xét nghiệm, kết quả cho thấy tài xế Hiếu dương tính với heroin và nồng độ cồn trong máu cao.
Trước đó, trưa ngày 2/1, Phạm Thành Hiếu đến uống rượu bia tại nhà người quen, sau đó tới nhà máy xay xát ở TP. Tân An, Long An để điều khiển xe đầu kéo container chở gạo đi TP. HCM.
Rượu, bia và chất kích thích là những thứ cấm kị sử dụng trước khi lái xe, do chúng ảnh hưởng mạnh tới hệ thần kinh khiến tái xế không còn tỉnh táo xử lý tình huống. Vậy câu hỏi đặt ra, một người uống rượu bia cần bao lâu thời gian để trở lại trạng thái bình thường và có thể lái xe an toàn?
Theo một nghiên cứu tại Anh quốc, một người trung bình mất khoảng 1 giờ để cơ thể phân hủy hết 1 đơn vị cồn trong cơ thể. Dĩ nhiên, thời gian còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như cân nặng, thể trạng, giới tính, độ tuổi, quá trình trao đổi chất, ăn bao nhiêu thức ăn, độ mạnh nhẹ của rượu và có hút thuốc lá hay không.
1 đơn vị cồn tương đương với 10 ml hoặc 8g rượu nguyên chất. Để dễ so sánh, sẽ có 2,1 đơn vị cồn trong một ly rượu 175 ml và 3 đơn vị cồn trong một ly rượu 250 ml mạnh trung bình (12%). Có 2 đơn vị trong nửa lít bia có độ cồn thấp (3,6%). Nếu là rượu có độ cồn trên 30%, đơn vị cồn sẽ nhiều hơn, và cũng mất thời gian hơn để có thể phân hủy hết để cơ thể trở lại bình thường.
Nếu uống một ly rượu 250 ml với độ cồn ở mức trung bình (12%), sẽ cần ít nhất 3 giờ để phân hủy. Hoặc nếu uống khoảng nửa lít bia có độ cồn 3,6% cần hơn 2 giờ để phân hủy. Và thời gian này đối với mỗi người sẽ khác nhau do những yếu tố đã được liệt kê phía trên.
Điều này có nghĩa rằng, nếu tham gia một bữa tiệc uống nhiều rượu bia vào buổi tối ngày hôm trước, nồng độ cồn trong cơ thể trong sáng ngày hôm sau vẫn còn, và đồng nghĩa với việc vi phạm luật giao thông và xấu hơn có thể gây ra tai nạn.
Trang NHS khuyến cáo các tài xế không nên tìm cách uống sao để vẫn có thể lái xe an toàn. Uống ít hay vừa đủ chỉ đồng nghĩa với việc “tỷ lệ xảy ra tai nạn thấp” hơn so với người uống nhiều hơn. Vì đã uống rượu bia thì không thể gắn với chữ “an toàn”, dù ít thế nào đi chăng nữa.
Rượu bia tác động như thế nào đến người lái xe?
Tất cả đồ uống có cồn đều thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe. Theo từng mức nồng độ cồn sẽ gây ra những tác động khác nhau. Một tài xế cần có khả năng tập trung, phán đoán, phản ứng nhanh trước các tình huống khác nhau, và rượu bia làm ảnh hưởng đến những kỹ năng này, khiến bản thân người lái xe hoặc những người xung quanh gặp nguy hiểm.
Thời gian phản ứng chậm
Khi có nồng độ cồn trong máu, nó sẽ làm chậm lại khả năng phản ứng của người lái xe, có nghĩa là tăng tỷ lệ xảy ra tai nạn. Ví dụ, nếu xe phía trước phanh đột ngột hoặc có người đi bộ băng qua đường, tài xế sẽ mất nhiều thời gian để bộ não xử lý tình huống hơn bình thường.
Giảm khả năng phối hợp
Uống quá nhiều rượu bia ảnh hưởng đến kỹ năng phối hợp giữa mắt, tay và chân. Một số dấu hiệu nhận biết về tình trạng mất khả năng mất khả năng phối hợp như khó đi lại, lắc lư và không thể đứng thẳng. Nếu lái xe trong tình trạng này rất dễ xảy ra tai nạn, thậm chí nhiều người uống nhiều rượu bia còn không thể tìm được cách mở cửa hay nổ máy chiếc xe.
Giảm tập trung
Uống rượu bia, dù ít dù nhiều, đều có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung. Với người lái xe, có rất nhiều thứ cần sự tập trung như giữ xe đi đúng làn đường, tốc độ của xe, những phương tiện xung quanh và tín hiệu giao thông. Và khi giảm hoặc mất khả năng này sẽ rất dễ vi phạm luật giao thông và gây ra tai nạn đáng tiếc.
Giảm thị lực
Rượu bia tác động rất lớn đến thị lực. Sau khi uống, mắt sẽ bị mờ, thậm chí là không kiểm soát được chuyển động của mắt. Khi thị lực suy giảm sẽ khiến tài xế đánh giá sai khoảng cách với các phương tiện giao thông khác đang lưu thông trên đường. Ngoài ra, tầm nhìn của người sau khi uống rượu bia sẽ hẹp hơn người bình thường, nghĩa là quan sát được ít vật thể hơn ở 2 bên trong tầm mắt.
Giảm khả năng phán đoán
Bộ não có thể kiểm soát cách một người đánh giá các trường hợp nhất định. Khi lái một chiếc xe, kỹ năng phán đoán của tài xế rất quan trọng trong việc đưa ra quyết định. Chẳng hạn, tài xế thấy phía trước một chiếc xe có dấu hiệu không an toàn và sẽ đưa ra quyết định hợp lý. Kỹ năng này sẽ giảm với một người sau khi uống rượu bia.
Theo Quốc Minh/Tri thức trẻ