Mike Ding, Giám đốc bán hàng cao cấp của BlackBerry khu vực Bắc Á, cho biết, công ty Canada sẽ tập trung vào việc giúp các doanh nghiệp thiết lập các hoạt động IoT thông qua nền tảng BlackBerry Secure – giải pháp phần mềm cho bảo mật thông tin doanh nghiệp và quản lý di động của doanh nghiệp (EMM).
“BlackBerry đã hoàn toàn rút khỏi mảng sản xuất điện thoại, máy tính để bàn và linh kiện máy tính cá nhân vào 2017 trước khi mở rộng kinh doanh các lĩnh vực xe thông minh, y học thông minh, các giải pháp thiết bị đầu cuối tổng thể và các dịch vụ bảo hiểm an ninh truyền thông”, Ding chia sẻ.
Theo Digitimes, sau khoảng thời gian 3 đến 5 năm điều chỉnh kinh doanh, BlackBerry đã hoàn tất quá trình chuyển giao từ một nhà sản xuất thiết bị di động sang một nhà cung cấp giải pháp hoàn toàn liên quan đến Internet cho vạn vật (IoT).
BlackBerry giờ đây sẽ tập trung vào giải pháp dựa trên tài sản cốt lõi là công nghệ bảo mật, EMM, quản lý gia công dịch vụ và các giải pháp đầu cuối. Không những thế, công ty sẽ lấn sân sang lĩnh vực xử lý khủng hoảng truyền thông, bảo mật truyền thông di động, quản lý thiết bị di động và các dịch vụ theo dõi tài sản vận chuyển.
Dù thất bại trên thị trường smartphone đã nhiều năm, song BlackBerry vẫn đạt doanh thu tốt ở mảng cung cấp các giải pháp bảo mật cho chính phủ, ngân hàng, cũng như các doanh nghiệp tài chính khác. Hiện tại, hãng cũng đã nhượng quyền sản xuất điện thoại thương hiệu BlackBerry cho TCL – công ty điện tử đến từ Trung Quốc.
BlackBerry – tiền thân là RIM – từng rất thành công với các mẫu điện thoại bàn phím QWERTY vật lý. Ở thời kỳ đỉnh cao (năm 2008), hãng từng khiến giới công nghệ “mất ăn mất ngủ” với các mẫu BlackBerry 7210, BlackBerry 7100T, BlackBerry 8700, BlackBerry Pearl 8100, BlackBerry 8800 hay BlackBerry Bold 9000. Sau đó, khi làn sóng smartphone màn hình cảm ứng tràn lên, thị phần của hãng bắt đầu giảm dần, dù đã sửa sai bằng các mẫu máy chạy BlackBerry OS. Đến năm 2016, khi thị phần dưới 1%, hãng thông báo đóng cửa mảng phần cứng. |
Nguyên Nguyên/Thương Trường