Chủ sở hữu thương hiệu IVY moda yêu cầu người lao động đặt cọc trái quy định?

Vin vào lý do cần đảm bảo cho đồng phục, Công ty CP Dự Kim – chủ sở hữu nhãn hàng thời trang IVY moda đã “ép” người lao động phải đóng tiền đặt cọc từ 2 đến 3 triệu đồng/người…

Đặt cọc cho 2 bộ đồng phục làm việc

Tìm hiểu tình hình sử dụng lao động tại chuỗi cửa hàng thời trang IVY moda thuộc sở hữu của Công ty CP Dự Kim, PV ghi nhận tình trạng doanh nghiệp này đưa ra yêu cầu người lao động phải đóng một khoản phí (đặt cọc) mới được nhận vào thử việc và trở thành nhân viên chính thức.

Điều này đã có dấu hiệu vi phạm Bộ Luật Lao Động, gây ảnh hưởng trực tiếp tới lợi quyền của NLĐ, nhưng do tâm lý muốn có việc làm, họ thường chọn cách “ngậm bồ hòn” đối với yêu cầu vô lý này.

Để tìm hiểu rõ hơn, PV đã vào vai người có nhu cầu xin việc tại chuỗi cửa hàng của IVY moda và nhận được phản ánh từ các nhân viên bán hàng tại đây. Theo đó, họ khẳng định đều phải đóng khoản tiền đặt cọc từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.


IVY moda yêu cầu người lao động đặt cọc trái quy định pháp luật?

Tại cửa hàng IVY moda trên đường Cầu Giấy, nữ nhân viên tên S mới vào làm việc một tháng nay cho biết bất cứ nhân viên nào cũng phải đóng khoản tiền đặt cọc 3 triệu đồng và sẽ trừ dần vào lương. “Anh chị cứ lên văn phòng Công ty ở 85 Vũ Trọng Phụng hỏi cho cụ thể. Đặt cọc tiền là quy định chung của công ty rồi, ai cũng thế thôi”, chị S. chỉ dẫn khi biết PV có nhu cầu xin việc tại IVY moda.Đơn cử, chị T, nhân viên bán hàng được 1 năm của IVY moda trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP Hà Nội) cho biết chị cũng phải đặt cọc số tiền là 3 triệu đồng. “Công ty sẽ trừ 500 nghìn đồng vào tiền lương mỗi tháng cho đến khi đủ 3 triệu đồng thì thôi. Đến khi nào kết thúc hợp đồng lao động họ sẽ trả lại tiền”, chị T phản ánh.

Chưa hết, chị K, nhân viên bán hàng được 7 tháng của cửa hàng IVY moda tại siêu thị The Garden Mall Mỹ Đình thông tin: số tiền 3 triệu đồng chị phải đóng là để đảm bảo cho hai bộ đồng phục do công ty phát. “Mỗi tháng, họ sẽ trừ tiền để khi nào đủ 3 triệu đồng thì thôi vì bọn em được phát hai bộ váy đồng phục” – chị K lý giải.

Nhằm rộng đường dư luận, PV đã đến trực tiếp trụ sở chính của Công ty CP Dư Kim tại 85 Vũ Trọng Phụng gặp nhân viên phụ trách tuyển dụng. Tại đây chúng tôi được xác nhận việc người lao động khi gia nhập IVY moda phải đóng tiền đặt cọc là có thật.

Người này cho hay, sau 3 ngày vào làm việc, mỗi người phải đóng trước 500 nghìn đồng rồi sẽ trừ dần vào lương của các tháng tiếp theo đến khi đủ 2-3 triệu đồng tùy tỉnh hoặc Hà Nội. “Khoản tiền này gọi là cam kết tài sản vì các bạn khi vào làm sẽ được bên em phát hai bộ đồng phục trị giá mỗi bộ 1,5 triệu đồng. Ở tỉnh phải đóng 2 triệu/người, tại Hà Nội là 3 triệu đồng”, đại diện bộ phận tuyển dụng IVY moda tư vấn.

Trên thực tế dù không hài lòng với việc bị người sử dụng lao động khấu trừ một khoản tiền không nhỏ vào lương nhưng để được ký hợp đồng, người lao động đành phải “cắn răng” đáp ứng yêu cầu vô lý này của IVY moda.

Với chuỗi cửa hàng ở 50 tỉnh thành, số lượng nhân viên hàng nghìn người, thì số tiền từ 2-3 triệu đồng IVY moda thu của người lao động là không hề nhỏ. Câu hỏi đặt ra là số tiền này sẽ đi về đâu và được sử dụng vào mục đích gì?

Vi phạm Luật lao động, Dự Kim sẽ phải đối diện với chế tài gì?

Liên quan đến việc chuỗi cửa hàng IVY moda của Công ty CP Dự Kim yêu cầu người lao động đặt cọc tiền mới ký hợp đồng lao động, Luật sư Phạm Thùy Dung, Giám đốc công ty TNHH tư vấn Phamlaw (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng hành vi này đã vi phạm luật lao động.


“Việc công ty yêu cầu giữ bằng gốc và tiền của bạn khi ký kết hợp đồng lao động là không đúng với quy định của pháp luật”

– Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.Cụ thể, căn cứ tại Điều 20 Bộ luật lao động năm 2012 thì những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động là:

– Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Như vậy, việc công ty yêu cầu giữ bằng gốc và tiền của bạn khi ký kết hợp đồng lao động là không đúng với quy định của pháp luật – LS. Phạm Thùy Dung nhấn mạnh.

Để hạn chế hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động và bảo vệ người lao động thì Nhà nước đã áp dụng chế tài sau để xử phạt hành vi này như sau:

Căn cứ Nghị định 88/2015 tại khoản 4 Điều 1, sửa đổi bổ sung một số Điều của Nghị Định số 95/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì DN sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi “Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động..”

Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả có bao gồm việc buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Thương trường sẽ tiếp tục thông tin./.

 “Người lao động có thể gửi đơn đến Thanh tra lao động thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị giải quyết hoặc khởi kiện yêu cầu TAND cấp quận, huyện nơi công ty có trụ sở chính, đề nghị Tòa án giải quyết buộc Công ty phải trả lại tiền đặt cọc cùng lãi suất của tiền đặt cọc đó cho cho người lao động”.

LS. Phạm Thùy Dung – GĐ Công ty TNHH tư vấn Phamlaw (Đoàn luật sư Hà Nội)

 Theo Huỳnh Minh/Thuongtruong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *