Ông Trần Bắc Hà – cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tử vong nên cơ quan chức năng sẽ đình chỉ điều tra bị can đối với ông này, còn vụ án liên quan tới ông Hà vẫn tiếp tục.
Chiều nay (18/7), nguồn tin riêng của phóng viên Tiền Phong cho hay, những ngày tới cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Bắc Hà.
Về tình huống pháp lý ông Hà tử vong khi vụ án đang được điều tra, luật sư Nguyễn Thành Công (Hãng luật Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TPHCM) phân tích: “Ông Trần Bắc Hà tử vong trong giai đoạn điều tra. Do đó, căn cứ vào Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Bắc Hà” – luật sư Nguyễn Thành Công viện dẫn.
Cũng theo luật sư Công, việc đình chỉ điều tra đối với cá nhân ông Hà không liên quan đến hoạt động điều tra của cả vụ án, mà chỉ có ý nghĩa không tiếp tục điều tra đối với ông Bắc Hà.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Cty Luật ICC cho biết, việc ra Quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Trần Bắc Hà trong trường hợp này sẽ được Cơ quan Điều tra dựa trên căn cứ là Khoản 7 Điều 157, Điều 230 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác” và chỉ áp dụng đối với riêng ông Hà. Đối với các bị can khác, việc điều tra vẫn được tiến hành bình thường.
Cũng theo luật sư Tùng, quá trình từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Bắc Hà đến nay đã lâu, do đó Cơ quan Điều tra cũng đã tiến hành các hoạt động điều tra đối với ông Hà và có thể đã thu thập được một số lời khai, tài liệu, chứng cứ cần thiết. “Những lời khai, tài liệu và chứng cứ này vẫn có thể được sử dụng phục vụ cho việc giải quyết vụ án trong giai đoạn tiếp theo của vụ án”- luật sư Tùng nói.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2018, ông Trần Bắc Hà bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng bị khởi tố với ông Hà ở thời điểm đó còn có các bị can Trần Lục Lang (cựu Phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh) và Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh).
Ông Hà cùng đồng phạm bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến việc cấp tín dụng cho dự án chăn nuôi bò của Cty CP chăn nuôi Bình Hà (Hà Tĩnh), gây thiệt hại cho BIDV hàng trăm tỷ đồng.
Trước khi bị khởi tố, bắt giam, ông Trần Bắc Hà đã bị UBKT Trung ương kết luận có nhiều vi phạm trong nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, đặc biệt việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng liên quan vụ án tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Sau đó, ông Trần Bắc Hà đã bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng.
“Trong giai đoạn làm Chủ tịch BIDV, ông Trần Bắc Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB” – kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư nêu rõ.
Đến cuối tháng 3/2019, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng, Chủ tịch HĐQT Cty CP An Phú, trụ sở tại TP Quy Nhơn, Bình Định cũng bị Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
“Điều 230. Đình chỉ điều tra
1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự;
b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật này”.