Dấu hiệu vi phạm của sản phẩm Khang dược sâm: Có thể khởi tố hình sự nếu đủ cơ sở?

Hành vi thông tin sai lệch sản phẩm TPCN Khang Dược Sâm của Công ty TNHH Dược phẩm Ích Nhân vi phạm quy định về quảng cáo, Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, cơ quan điều tra có thể xử lý hình sự nếu phát hiện có thiệt hại do sản phẩm gây ra hoặc chứng minh được TPCN Khang Dược Sâm làm giả với số lượng lớn.

Trong bài viết: “Thông tin sản phẩm sai lệch, Công ty dược Ích Nhân có đang lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng” được đăng tải trên Báo điện tử Gia đình và Xã hội ra ngày 7/11/2017, chúng tôi đã chỉ ra hàng loạt dấu hiệu vi phạm của sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) Khang Dược Sâm do Công ty TNHH Nam Dược sản xuất và Công ty TNHH dược Ích Nhân tiếp thị, phân phối ra thị trường như: Sử dụng hình ảnh không phù hợp, thông tin sản phẩm thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, nhập nhằng khái niệm đông trùng hạ thảo và nhộng trùng thảo trên bao bì.

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với PV, một chuyên gia pháp lý cho biết: Hành vi thông tin sai lệch sản phẩm Khang Dược Sâm của Công ty dược Ích Nhân đã vi phạm quy định về quảng cáo, Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Thực phẩm chức năng Khang Dược Sâm bộc lộ nhiều dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Tư liệu

Cụ thể, tại Điều 8 (Luật Quảng cáo 2012) quy định về những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Hiện nay chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo trên được quy định tại điểm b khoản 5 điều 51 Nghị định 158/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo đó, người nào có hành vi quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 168 (Bộ luật Hình sự).

Theo quy định: “Người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm;

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Không những vậy, hành vi của Công ty TNHH dược Ích Nhân đối với TPCN Khang Dược Sâm cũng vi phạm vào một trong các hành vi cấm trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 1, điều 10, Luật Bảo vệ người tiêu dùng nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.

Việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong trường hợp này có thể áp dụng khoản 2, điều 11: “Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Theo GiaDinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *