Thân thế lãnh đạo, thông tin đất đai… được đưa vào danh mục “mật” trong dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước khiến nhiều đại biểu lo ngại.
Góp ý kiến về dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước chiều 25/10, các đại biểu Quốc hội quan ngại phạm vi quy định bí mật nhà nước, thông tin mật hiện quá rộng. Theo Điều 7 dự thảo Luật, những thông tin như thân thế sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước; quốc phòng an ninh, đất đai, địa chất, biển; công nghiệp, thương mại… là thông tin bí mật nhà nước.
Ông Trương Trọng Nghĩa nói “sẽ lợi bất cập hại” khi những chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại đáng lý cần tuyên truyền, phổ biến công khai và nhiều thông tin không thuộc về nhà nước, thì nay quy định là thông tin mật.
“Thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, nhà nước phải tuyên truyền, phổ biến để người ta học tập, hay lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhiều lúc cần phải công khai nhanh, rộng… thì dự luật lại quy định là thông tin mật”, ông nói.
Vì thế ông đề nghị phân định rõ đâu là tin mật, đâu là bí mật nhà nước. “Nếu làm không khéo mở quá rộng, hoặc đóng quá chặt thì không ai dám làm gì cả, không ai dám phổ biến gì”, ông đặt vấn đề và tỏ ý e ngại, dự luật nếu được áp dụng sẽ “tác động nhiều chiều, tiêu cực, ngoài ý muốn”.
Đại biểu TP HCM ví dụ, khi tìm hiểu nhiều thông tin về Việt Nam ông buộc phải tra cứu, lấy từ các trang nước ngoài bởi họ công khai dữ liệu, trong khi đó Việt Nam lại quy định là bí mật nhà nước.
“Nếu quy định cứng như vậy trong luật thì tôi rất e ngại, cộng đồng doanh nghiệp làm ăn ở Việt Nam họ rất ngại khi đàm phán, thương lượng, trao đổi tài liệu qua lại. Như thế có hợp lý không, hay sẽ cản trở giao tiếp, lưu chuyển thông tin, cản trở phát triển kinh tế xã hội”, ông Nghĩa phân tích tiếp.
Đồng tình, ông Phạm Như Hiệp đề nghị quy định rõ chức danh lãnh đạo Đảng, nhà nước và nội dung nào là mật khi đề cập thân thế lãnh đạo.
Ông Hiệp cũng góp ý bỏ quy định thông tin sức khoẻ cán bộ lãnh đạo là mật, do Luật Khám chữa bệnh có điều khoản liên quan giữ bí mật thông tin người bệnh, nên việc đưa thêm điều này vào dự luật Bảo vệ bí mật nhà nước là không cần thiết.
Bà Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, phạm vi điều chỉnh dự luật này cũng đang “vênh” tới Luật Tiếp cận thông tin vừa có hiệu lực đầu tháng 8/2018.
Lấy ví dụ thực tế từ phản ánh của doanh nghiệp, bà Khánh nêu, trong khi doanh nghiệp các nước đều tiếp cận được nội dung Hiệp định thương mại mà nước họ đang đàm phán, sắp ký kết để xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh thì Việt Nam lại đưa vào danh sách bí mật thông tin. “Doanh nghiệp Việt Nam đã yếu đuối, lại khó tiếp cận thông tin, khó khăn trong xây dựng kế hoạch kinh doanh hội nhập quốc tế”, bà nhấn mạnh.
Hoặc lĩnh vực tài nguyên môi trường, đất đai được liệt vào danh sách bí mật nhà nước cần bảo vệ, trong khi 70% khiếu nại tố cáo hiện liên quan tới lĩnh vực này. Quy định như vậy, những vụ việc như Thủ Thiêm người dân sẽ không thể tiếp cận được thông tin liên quan tới bản đồ do nằm trong danh sách thông tin mật. “Như thế biết bao giờ khiếu nại của người dân mới được giải quyết?”, bà nói thêm.
Đại biểu thành phố Hà Nội đề nghị ban soạn thảo cụ thể hoá lĩnh vực đất đai nào cần đóng dấu mật hoặc công khai chứ không nên nêu chung chung.
Trước ý kiến các đại biểu cho rằng phạm vi bí mật nhà nước quy định “rộng, trừu tượng, hơi chung chung”, ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh, cơ quan thẩm tra dự luật lý giải, phạm vi bí mật nhà nước là những thông tin quan trọng chưa được công khai, nếu lộ thì ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc.
Dự luật đưa ra 15 vấn đề chung, trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định chi tiết. Ban soạn thảo sẽ rà soát để đảm bảo nguyên tắc bí mật nhà nước nhưng không ảnh hưởng đến các hoạt động khác.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận xét, dự thảo luật quy định 15 lĩnh vực để xác định bí mật nhà nước là phù hợp. Tuy nhiên, ông đề nghị ban soạn thảo rà soát để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với quyền tiếp cận thông tin, tránh việc mật hóa gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân; đồng thời phải khả thi và thống nhất.
Đây là lần thứ hai Quốc hội thảo luật về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, trước khi thống nhất thông qua vào cuối kỳ họp thứ 6.
Nguyễn Hoài/vnexpress