Gấp rút chuẩn bị sơ tán dân tránh bão số 16 – Tembin

Chiều nay (24/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến, chỉ đạo việc ứng phó khẩn cấp với bão số 16 – Tembin.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vị trí tâm bão Tembin (bão số 16) lúc 15h ngày 24/12 cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 130km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ nhanh 20-25km/h. Chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân.

Cơn bão Tembin dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau. Đây sẽ là cơn bão mạnh giật tới cấp 11-12, khả năng gây thiệt hại lớn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo, bão Tembin sẽ đổ bộ vào chiều tối 25 và sáng 26/12, vùng nguy hiểm nhất từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Cà Mau. Trong đó Bến Tre, Tiền Giang là một trong những vùng có tâm bão đi qua.

Từ chiều mai, vùng biển ven bờ khu vực nam Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre có gió mạnh cấp 6, các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu chậm hơn chút, đến tối mai, gió mạnh tăng lên cấp 9-10.

Khi vào ven bờ, ngoài khơi các tỉnh Nam bộ, từ Vũng Tàu trở xuống có sóng biển cao 6-8m, nước dâng do bão từ 0,5-1m, không loại trừ khả năng vượt mực nước dâng kỷ lục tại Vũng Tàu vào ngày 16/12 vừa qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh ến Tre kiểm tra tình hình neo đậu tàu thuyền (ảnh web UBND) 

 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đây là cơn bão cuối mùa, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng. Cường độ ngày càng mạnh hơn và có thể tương đương bão Linda năm 1997, bão Durian năm 2006 với rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ lớn nhất xảy ra trong khu vực).

Trung tâm cũng cho hay, khả năng vùng tâm bão sẽ di chuyển thấp hơn nên sau khi đi vào đất liền Cà Mau, sang đến vùng biển phía tây của Nam bộ, bão vẫn giữ cấp 9, giật cấp 11.

Trong ngày và đêm 25/12, ở Nam bộ có mưa to; từ đêm 25/12 ở các tỉnh Nam Trung bộ và Trung Trung bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung bộ và Bắc bộ.

Theo ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 24/12, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 60.413 phương tiện/307.742 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Trên bờ, các tỉnh, thành phố ven biển trong khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão (từ Khánh Hòa đến Kiên Giang) đã ban hành lệnh cấm biển.

Các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và TP.HCM đang khẩn trương rà soát và lên phương án di dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Do tính chất nguy hiểm của cơn bão, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương phải di dân tại các cù lao xung yếu, vùng cửa biển, khu vực đê xung yếu phải hoàn tất trước 18h hôm nay, các khu vực sâu phía trong, di dân trước 12h trưa 25/12.

Các tỉnh Nam bộ cho học sinh nghỉ học, quyết liệt di dân trên các lồng bè, tránh trường hợp đáng tiếc như bão số 12. “Ngay trưa mai, các địa phương nằm trong diện ảnh hưởng phải di dời tất cả người dân trên các lồng bè lên bờ. Đến tối mai vẫn còn thì kiên quyết cưỡng chế”- ông Thắng nói.

Theo Như Quỳnh/NTD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *