Hàng hiệu nhái tràn lan trên chợ mạng: Chẳng lẽ lại ‘bó tay’?

Hàng hiệu nhái đang được rao bán tràn lan trên mạng Internet, nhiều gian hàng thương mại điện tử đang rao bán và cung cấp hàng giả, hàng gian kém chất lượng mang thương hiệu của các hãng uy tín với giá rất rẻ.

Hàng giả tràn lan trên các sàn thương mại điện tử

Việt Nam đang có khoảng hơn 20.000 trang web thương mại điện tử bán hàng và gần 900 trang web cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được cơ quan chức năng xét duyệt và cho phép hoạt động. Với số lượng đông đảo như vậy, cùng với ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi, thương mại điện tử ngày càng được nhiều người tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm được chào bán tại đây vẫn còn là điều gây tranh cãi.

Kính mắt Porsche chính hãng

Việc che, làm mờ thương hiệu sản phẩm để giảm 10% phí thương hiệu, khi nhận hàng, khách kiểm tra sẽ thấy thương hiệu và logo rất sắc sảo là lời quảng cáo cho đồng hồ đeo tay với giá gần 300.000 đồng. Không sử dụng chiêu trò phí bản quyền, nhiều sản phẩm khác với hình ảnh và tên tuổi trùng khớp với những thương hiệu lớn xuất hiện nhan nhản, ngang nhiên trên các trang web thương mại điện tử.

Kính mắt Porsche được làm nhái tinh vi và bán với giá rẻ hơn hàng chính hãng đến 3 lần. 

Điều đáng nói, với giá bán chỉ từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, mức giá rẻ hơn 1/10 hay 1/100 so với giá niêm yết được các hãng đưa ra, người bán tại đây vẫn luôn cam kết chắc chắn về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, chuyên gia sản phẩm và cơ quan chức năng khẳng định, một số trang web thương mại điện tử đã cố tình lợi dụng một cách công khai, ngang nhiên thương hiệu và hình ảnh của các hãng uy tín để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hàng giả, hàng gian kém chất lượng.

Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), số vụ khiếu nại hàng hóa liên quan đến kinh doanh qua mạng chiếm khoảng 10% tổng số khiếu nại trong năm 2016 và quý I/2017. Có không ít trường hợp khiếu nại sản phẩm trên thực tế giao đến người mua hoàn toàn khác với hình ảnh sản phẩm giới thiệu trên online xét ở cả khía cạnh hình thức mẫu mã lẫn chất lượng sản phẩm.

Rất khó kiểm soát

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận là vấn nạn hàng giả, hàng nhái bán trên các trang thương mại điện tử hiện đang rất khó kiểm soát.

Khó khăn chính của các cơ quan chức năng khi không thể giải quyết triệt để vấn đề này là phương thức hoạt động của đói tượng vi phạm ngày càng tinh vi, các website dễ dàng được tạo ra và đóng lại, khó kiểm soát. Trong khi đó nhận thức của người dân biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.

Hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử đang là vấn nạn làm đau đầu các nhà quản lý

Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ công vụ, kỹ thuật nhận biết của cán bộ làm công tác thẩm định, điều tra vẫn còn hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng cũng chưa được nhuần nhuyễn.

Năm 2017, Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) đã xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan về hàng giả, hàng nhái với tổng mức xử phạt hành chính gần 3 tỷ đồng.

Đề cập về vấn nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội, ông Lê Quang Tự Do – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết sẽ xóa tài khoản facebook bán hàng giả.

Theo đó, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi 400 tài khoản kinh doanh buôn bán, quảng cáo mặt hàng giả, hàng cấm thì Facebook cũng xóa được khoảng 70%.

Đây mới chỉ là bước đầu của một động thái được cho là quyết liệt hơn trước. Và dư luận nói chung, đặc biệt là giới doanh nghiệp và người tiêu dùng, muốn động thái này được thúc đẩy mạnh mẽ hơn và toàn diện hơn, ông Do cho biết.

Đâu là giải pháp?

Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm quét mã vạch trên điện thoại di động (Scan & Check) đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ quan chức năng, của người tiêu dùng, của các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là của hơn 25 ngàn doanh nghiệp thành viên GS1 Việt Nam về xác thực nguồn gốc thông tin chủ sở hữu và hàng hóa sử dụng mã số mã vạch.

Scan & Check được sử dụng để quét kiểm tra tính hợp pháp của mã số mã vạch cũng như thông tin chính hãng về sản phẩm trước khi người tiêu dùng ra quyết định mua hàng.

Bà Phan Hồng Nga, Phụ trách Văn phòng mã số mã vạch (GS1 Việt Nam) cho biết, phần mềm quét mã vạch Scan & Check mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vừa xây dựng xong và đưa vào vận hành sẽ đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ quan chức năng, của người tiêu dùng, của các đơn vị sản xuất kinh doanh, theo đó ứng dụng này sẽ giúp xác thực nguồn gốc thông tin chủ sở hữu và hàng hóa sử dụng mã số mã vạch. Từ đó người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc xác minh thông tin sản phẩm là hàng thật hay hàng giả.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông báo đường dẫn cài đặt Scan & Check trên Android như sau:

https://play.google.com/store/apps/details?id=com.gs1vn.scanandcheck&hl=vi.

(Bản cho iPhone sẽ được thông báo tiếp khi đăng kí xong với Apple)

Theo Bảo Anh/Vietq

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *