Làm sao để tránh rủi ro khi mua nhà trên giấy?

Chỉ trong vài tuần qua, khách hàng của các dự án nhà ở hình thành trong tương lai (mua nhà trên giấy) tại Hà Nội, gửi đơn kêu cứu khắp nơi, thậm chí kiện ra toà để tố chủ đầu tư lừa đảo.

Hầu hết các dự án này chưa triển khai xây dựng hoặc đang triển khai thì “đắp chiếu” vì chủ đầu tư không đủ tiềm lực tài chính, thậm chí bỏ trốn. Vậy, người mua nhà cần làm gì để bảo vệ số tiền đã bỏ ra khi mua nhà trên giấy?

Căng băngrôn phản đối, kiện chủ đầu tư ra toà

Liên tiếp trong vài tuần trở lại đây, nhiều khách hàng bức xúc trước việc chủ đầu tư nhiều lần thất hứa không bàn giao nhà theo đúng cam kết, đông đảo khách hàng mua nhà tại Dự án nhà ở xã hội Bright City (hay còn gọi AZ Thăng Long), do Cty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư đã tập trung trước công trường dự án căng băngrôn đòi nhà.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, hàng trăm khách hàng đã ký hợp đồng mua bán nhà với Cty này nhưng đến nay đã quá thời điểm cam kết bàn giao nhà mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện được công trình, trong khi nhiều khách hàng phải vay lãi ngân hàng, trải qua nhiều cái tết vẫn phải đi ở thuê.

Được biết, dự án Bright City được khởi công từ tháng 11.2014 và được chủ đầu tư cam kết bàn giao nhà vào quý IV/2017. Tuy nhiên, quá trình thi công dự án đã chậm tiến độ, phía chủ đầu tư đã nhiều lần hứa sẽ giải quyết nhưng tiến độ thi công không hề được cải thiện, thậm chí có thời điểm dừng thi công.

Với dự án khu chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông – Mỹ Sơn Tower tại 62 Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) chậm tiến độ bàn giao nhà gần 2 năm, thì nhiều khách hàng cho biết đã làm mọi cách như kéo đến công trường dự án căng băngrôn phản đối. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của họ đều vô vọng vì không cách nào liên lạc được với chủ đầu tư. “Truy tìm chủ đầu tư không được, chúng tôi đã kiện ra toà để giải quyết” – một khách hàng nói với PV Lao Động.

Đây chỉ là một vài trường hợp mới diễn ra gần đây, còn xa hơn đã có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã bị xử lý hình sự như trường hợp cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga (cựu Chủ tịch HĐQT Housing Group) và 9 đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án B5 Cầu Diễn (Hà Nội). Hay các khách hàng mua nhà các dự án Hesco Văn Quán, Megastar Xuân Đỉnh đều xác định mất trắng số tiền vì Chủ tịch Cty CP Tập đoàn Vina Megastar kiêm Tổng GĐ Nguyễn Hoàng Long đã vào tù.

Người mua nhà cần làm gì?

Trao đổi với Lao Động, LS Vũ Biên (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng, khi mua nhà hình thành trong tương lai đã là một rủi ro, khi khách hàng bỏ tiền ra mua thì nó chưa tồn tại, chỉ là một cam kết từ chủ đầu tư trong tương lai sẽ có nhà. Bởi vậy, để khẳng định 100% việc không có rủi ro thì không ai dám khẳng định.

Tuy nhiên, theo LS này, luật kinh doanh doanh bất động sản 2014 đã bổ sung rất nhiều điểm để hạn chế rủi ro cho người mua nhà, như nâng vốn điều lệ lên từ 6 tỉ đồng lên 20 tỉ đồng, yêu cầu phải có ngân hàng bảo lãnh để nếu các Cty đó chậm tiến độ thì ngân hàng sẽ đền bù thiệt hại, chủ đầu tư khi ký hợp đồng mua bán phải xây xong móng và được sở xây dựng cấp giấy cho phép được mở bán nhà hình thành trong tương lai. “Tất cả những điều này đã mở ra cho khách hàng kênh để kiểm tra năng lực chủ đầu tư. Nếu có đầy đủ những yếu tố trên thì người mua mới tạm yên tâm khi ký hợp đồng”.

Sau khi tìm hiểu kỹ những vấn đề trên, thì người mua nhà nên thường xuyên theo dõi công trường, cập nhật tiến độ dự án để nắm rõ hoạt động của chủ đầu tư. “Nếu thấy có dấu hiệu bất thường như công trường ngừng thi công, hay những thông tin xấu về dự án trên báo chí cần liên lạc ngay với chủ đầu tư để làm rõ. Nếu dự án chậm tiến độ theo hợp đồng mua bán cần báo ngay tới các cơ quan chức năng như UBND quận, sở xây dựng để giải quyết” – ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản VN – nói với PV Lao Động.

Theo Lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *