Tối 8-11, tại Cơ sở 2 Trường ĐH Luật TP.HCM (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) đã diễn ra đêm chung kết cuộc thi “Đấu trí dân luật” năm 2018.
Cuộc thi hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn khoa Luật Dân sự nhiệm kỳ X (2019-2022), kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và chào mừng kỷ niệm 21 năm ngày thành lập Hội Sinh viên Việt Nam Trường ĐH Luật TP.HCM.
Cạnh đó, cuộc thi nhằm củng cố, trau dồi kiến thức pháp luật, áp dụng kiến thức vào thực tiễn, khả năng nắm bắt thông tin, kỹ năng làm việc nhóm. Cuộc thi còn tạo sân chơi cho các đoàn viên – sinh viên, tạo môi trường giao lưu, gặp gỡ giữa các bạn đang theo học tại những trường đại học có đào tạo ngành luật.
Cuộc thi đã thu hút đông đảo các đoàn viên, sinh viên của hệ chính quy K39 (QTL), K40, K41, K42 và chất lượng cao hệ vừa học vừa làm Trường ĐH Luật TP.HCM tham gia.
Rất đông các thầy cô và các bạn sinh viên đến tham dự. Ảnh: YC
Trải qua vòng sơ loại và bán kết với nhiều phần thi hấp dẫn, ban tổ chức đã chọn được bốn đội xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết.
Cuộc thi năm nay có nhiều điểm mới, đặc biệt là khoa Luật dân sự đã thành lập Quỹ hỗ trợ sinh viên vượt khó và đêm chung kết thêm ý nghĩa khi đã trao quỹ hỗ trợ cho các bạn sinh viên trong khoa có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên trong học tập.
Trao quỹ hỗ trợ cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: YC
Ban giám khảo gồm: PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự), TS Nguyễn Thị Minh Phượng (thẩm phán TAND quận Gò Vấp), luật sư Đinh Xuân Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM).
PGS-TS Đỗ Văn Đại, thẩm phán Nguyễn Thị Minh Phượng và luật sư Đinh Xuân Hồng (từ trái qua phải). Ảnh: YC
Tại đêm chung kết bốn đội thi phải trải qua bốn vòng thi: Khởi động, Thử thách giải mã, Đừng để điểm rơi và Thử tài lập luận.
Nhiều câu hỏi thú vị được đưa ra khiến cuộc thi thêm sôi nổi như một người được quyền mang thai hộ tối đa bao nhiêu lần? Đáp án của câu hỏi trên căn cứ theo khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình người được nhờ mang thai hộ “chỉ được mang thai hộ một lần”.
Một câu hỏi khác cũng không kém phần thú vị “Một người nhặt được chiếc ví 5 triệu đồng nhưng không biết của ai, vậy khi nào người đó xác lập được quyền sở hữu đối với tài sản đó?”. Và câu trả lời là sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận (theo Điều 230 BLDS 2015).
PGS-TS Đỗ Văn Đại trao giải nhất cho đội thi. Ảnh: YC
Một tình huống được đưa ra là “Ngày 15-10-2016, A thể hiện ý muốn tặng B chiếc điện thoại iPhone X của mình và B cũng đồng ý nhận. Một tuần sau, B phát hiện A đã bán chiếc điện thoại này cho C. Hỏi trường hợp này B có thể làm gì?”
Giải thích về đáp án của câu hỏi, PGS-TS Đỗ Văn Đại cho rằng chiếc điện thoại iPhone X là động sản (không quy định đăng ký quyền sở hữu) nên theo Điều 458 BLDS 2015 thì “Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Ở đây, A chưa có hành vi chuyển tài sản là chiếc điện thoại cho B, do đó hợp đồng tặng cho chưa phát sinh hiệu lực nên B không thể yêu cầu A và C thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào đối với mình.
Theo PLO