Người truyền thần các nhân vật bằng khảm trai ánh xà cừ

Sinh ra và lớn lên từ một gia đình có nghề truyền thống khảm trai ngàn năm tuồi. Đó là làng khảm trai Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện  Phú Xuyên, nằm ven bờ sông Nhuệ, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km.

 

 

Thuở 5 – 6 tuổi, cậu bé Nguyễn Phú Tươi đã quen với hình ảnh, ngày ngày bố và ông nội loay hoay với những chiếc vỏ trai, vỏ ốc cẩn vào gỗ. Lớn lên một chút nữa, Tươi lại thích nhìn những bức tranh cẩn ốc, những bộ bàn ghế đẹp đẽ óng ánh sắc xa cừ.  Không chỉ gia đình mình, mà cả làng làm khảm trai. Khắp nơi trong nhà ngoài ngõ mọi người đều chăm chú mài dũa những vỏ ốc, vỏ trai óng ánh sắc màu, rồi cưa cưa đục đục, lắp ghép vào gỗ. Công việc tỉ mỉ vất vả nhưng rất thú vị.

Nghệ nhân Nguyễn Phú Tươi

Nghề khảm trai là nghề truyền thống gia đình được truyền từ nhiều đời. Trong dòng họ có những người giỏi nghề có tên tuổi như nghệ nhân Nguyễn Phú Tuyên. Những năm 60 của thế kỷ trước, cùng với khó khăn chung của cả nước, nghề khảm trai cũng trải qua nhiều thăng trầm, song, người làng nghề Chuôn Ngọ vẫn son sắc giữ nghề.

 

Từ sau những năm giữa cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, đất nước bắt đầu mở cửa, nghề khảm trai Chuôn Ngọ đã có bước phát triển nhanh với những bộ ghế Louis, Khánh rồng, Trúc nam Trúc nữ … xuất khẩu sang Singapore, Malaisia, Thái Lan, Campuchia…

Tuổi thơ gắn liền với công việc của gia đình nên nghề khảm trai đã thấm vào Nguyễn Phú Tươi và anh nối tiếp nghề truyền thống gia đình như một mặc định.

Đối với nghề khảm trai, vật liệu chính là vỏ ốc, vỏ trai.

Vỏ trai cũng có nhiều loại, trai cánh mảnh, nhỏ có màu sẫm, trong khi trai thịt trắng có vỏ dày, nhiều vân.

Trai ngọc bên trong có lớp xà cừ dày óng ánh tựa sắc cầu vồng. Còn vỏ ốc thì quý nhất là ốc đỏ có màu sắc lóng lánh sang trọng, dùng làm cảnh núi non, cánh phượng, cánh rồng hay gấm bào…

Trao đổi với chúng tôi, anh Tươi chia sẻ về các công đoạn, trước hết, để có mảnh trai ốc phẳng, người thợ phải mài thủ công, ngâm rượu, hơ lửa, chẻ dóc miệng… tất cả đều làm bằng tay. Ngày nay, máy ép đã góp phần hỗ trợ cho việc sơ chế vỏ trai. Công việc khó nhất chính là cưa, đục thế nào để các mảnh trai đúng theo nét vẽ và gắn những nguyên liệu họa tiết lên đó. Những tranh gỗ sau khi đã được gắn trai sẽ tỉa gọn, mài khảm rồi vẽ nét. Một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề khảm trai là cẩn xà cừ. Tác phẩm hoàn thành là một lẽ, song truyền cho được cái hồn vào bức tranh mới chính là sự thành công của tác phẩm. Đây chính là tâm huyết của người thợ khảm xa cừ.

Sau nhiều năm gắn bó với gia đình ở làng nghề Chuôn Ngọ, ở vào cái tuổi 32, Nguyễn Phú Tươi đã quyết định vào Nam lập nghiệp. Mong muốn của anh là được giới thiệu nghề khảm trai nổi tiếng Chuôn Ngọ nhiều hơn với người dân ở đất phương Nam. Xa hơn là làm sao để đưa tác phẩm của mình sang thị trường các nước. Mặc dù, thời gian đầu anh lạ lẫm nơi đất mới Sài Gòn, anh phải cố gắng nỗ lực hết sức mình, giờ đây Nguyễn Phú Tươi đã ổn định công việc với một cơ sở nho nhỏ mang  thương hiệu Sắc Việt ở quận 12 Tp.HCM.

Sắc Việt cũng là thương hiệu chung của dòng họ. Về ý nghĩa của chữ Sắc Việt, anh cho biết, chữ Sắc tức là nguyên liệu ốc xà cừ sống ở tầng sâu của đáy biển, khi chế tác sẽ phát ra ánh tử hà đẹp long lanh. Chữ Việt có ý nghĩa là người VN có nghề cẩn xà cừ từ đời nhà Lý. Do vậy, những tác phẩm mà cơ sở Sắc Việt làm ra luôn gìn giữ và phát huy văn hóa thuần Việt.

Tâm huyết của Nguyễn Phú Tươi với nghề, cơ sở luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Với sự chỉ dẫn của các nghệ nhân và đội ngũ tay nghề cao, cơ sở cho ra đời những tác phẩm có giá trị văn hóa và kinh tế. Tác phẩm của anh lấy đề tài từ tình yêu quê hương, đất nước, văn hóa hồn Việt, chân dung, truyền thần các nhân vật truyện cổ, lịch sử, danh nhân… Nhiều bức tranh, thời gian sản xuất kéo dài 2 đến 3 năm, như cặp lục bình “ Cát tường như ý “ “ Hoa khai phú quý” cao 2,6m, đường kính 80cm; Những chiếc tủ thờ hoa văn độc đáo; những bức chân dung của các lãnh tụ, danh nhân… thật tâm huyết, công phu, sống động.

Không chỉ sản xuất, Nguyễn Phú Tươi chú trọng đào đội ngũ thừa kế với những người thợ có tâm với nghề và tận tâm chỉ dẫn kỹ thuật tử những chi tiết  nhỏ nhất. Bởi vì, để truyền nghề khảm trai đạt hiệu qủa thì không chỉ là lý thuyết mà phải cầm tay chỉ việc.

Thăng trầm cùng với sự phát triển của xã hội, những người thợ giỏi ngày càng ít dần đi. Vì vậy để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống khảm trai quý giá, những người thợ khảm, những nghệ nhân xuất thân từ làng nghề Chuôn Ngọ mong muốn quảng bá hơn nữa nghề cẩn xà cừ thông qua những sản phẩm chất lượng, tinh tế, độc đáo đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế./.

“Cẩn tranh truyền thần là một thể loại khảm trai mà người nghệ nhân truyền lại cái “thần” của người được khảm, tức là truyền đạt được cảm xúc, thần thái thông qua tác phẩm”.

Để khắc họa lại một bức ảnh đòi hỏi người nghệ nhân phải có ý chí kiên trì, cần mẫn, tập trung cao độ, bức ảnh sau khi hoàn thành phải truyền được thần thái của con người đó. Quan trọng nhất đó chính là đôi mắt của người được vẽ mà người nghệ nhân gọi là điểm nhãn, đó chính là nét độc đáo trong các tác phẩm truyền thần mà không một loại tranh nào khác thực hiện được.

Theo Nguyễn Tín/ Doanh nhân số/ Việt Nam Hội nhập

            

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *