“Nữ hoàng hột vịt” Ba Huân: “Nông sản Việt đi nước ngoài hết rồi, cớ gì trái trứng không thể đi”

Nhận thấy VinaCapital cùng chung chí hướng và mục tiêu đầu tư, bà Ba Huân chấp thuận bắt tay với quỹ này. Định hướng trong tương lai, bà Huân sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực quản trị cho công ty.

Chúng tôi gặp bà Phạm Thị Huân, tức Ba Huân, giám đốc Công ty Ba Huân trong một buổi chiều tại nhà máy xử lý trứng tại huyện Bình Chánh, TP HCM. Công ty Ba Huân vừa mới nhận được khoản đầu tư 35 triệu USD từ quỹ VinaCapital và sắp có thêm những dự án mới.

Người phụ nữ được mệnh danh là “nữ hoàng hột vịt” mở đầu câu chuyện bằng dấu mốc 40 năm trong nghề, trải qua nhiều thăng trầm gian khó, mà điều không thể quên là đại dịch H5N1 vào năm 2003. Nhiều gia đình nông dân với chuồng trại nuôi gà,vịt lấy trứng truyền thống bỗrongng chốc phá sản. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến mất nguồn cung ứng nguyên liệu.

Trước thảm cảnh đó, bà Ba Huân đi khắp các nước châu Âu, châu Á và dừng chân tại tập đoàn Moba Hà Lan, nơi có thiết bị xử lý trứng hàng đầu thế giới để mua hệ thống thiết bị tự động hóa, xử lý trứng sạch đến 99,9% theo đúng tiêu chuẩn quốc tế với công suất 65.000 trứng/ giờ.

Năm 2009, do nhu cầu phát triển, Công ty mua thêm máy xử lý trứng thứ 2, công suất gấp đôi 120.000 trứng/ giờ. Sau đó từ các năm 2013 đến 2016, công ty liên tục xây dựng đầu tư các nhà máy chế biến, trang trại chăn nuôi.

Với bà Ba Huân, nốt “trầm” đại dịch là động lực thôi thúc bà vươn lên, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Bà nói nhiều hơn về kế hoạch phát triển công ty và định hướng xuất khẩu cũng như cú bắt tay với VinaCapital.

 Nữ hoàng hột vịt Ba Huân: Nông sản Việt đi nước ngoài hết rồi, cớ gì trái trứng không thể đi - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân

Đầu tư, đầu tư và đầu tư

Bà Ba Huân cho biết công ty đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng vào các dự án và trang trại. Hiện Ba Huân có 4 dự án trong chuỗi sản xuất, gồm Trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao ở Bình Dương; Trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao ở Thịnh Hóa, Long An; Nhà máy chế biến thực phẩm ở Đức Hòa, Long An và Nhà máy xử lý trứng ở huyện Bình Chánh, TP HCM.

Sắp tới, công ty sẽ đầu tư mới dự án trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao 50 ha ở Long An với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Vốn đầu tư này đến từ quỹ VinaCapital. Theo dự kiến, trang trại sẽ được khởi công vào tháng 4, tháng 5 năm nay.

Bà Huân tiết lộ theo lộ trình đầu tư, VinaCapital còn rót thêm 300 tỷ đồng nữa để mở rộng các dự án trang trại tại Thịnh Hóa, Đức Hòa. Kỳ vọng của hai bên là có thể tăng công suất nhà máy, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và tăng công suất toàn công ty khoảng 20 – 30%.

Hiện tại, công ty Ba Huân cho ra thị trường nội địa 1 triệu trái trứng và 20 tấn thịt gà mỗi ngày, chưa kể các sản phẩm chế biến. Bà Huân kỳ vọng sau một năm, khi các dự án mở rộng và đầu tư mới đi vào vận hành, công ty có thể tăng công suất lên khoảng 30 – 50%.

Người phụ nữ cả cuộc đời gắn bó với trái trứng nói về cạnh tranh của thị trường với những lời vô cùng đơn giản: Ba Huân có chuỗi khép kín, hướng tới vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, cộng thêm áp dụng công nghệ được hỗ trợ từ bên ngoài thì sản phẩm sẽ được ưa chuộng.

“Mỗi người có một ưu điểm khác nhau, tôi chỉ nghĩ làm sao cho thật”, bà Huân nói.

Nói về việc một số tập đoàn lớn cũng sắp sửa thâm nhập vào ngành trứng gia cầm và tung sản phẩm ra thị trường, “nữ hoàng hột vịt” cho rằng ai cũng nghĩ làm trứng dễ lời nhưng không phải thế. Có chuỗi thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi rồi lấy trứng bán, thêm sản phẩm chế biến mới ra lời.Theo bà Huân, cái khó nhất của ngành là trứng ế rồi không biết đem đi đâu do trứng rất dễ hỏng. Một trái trứng bình thường để 15 ngày là hỏng, nếu quá nóng thì 10 ngày cũng hỏng, chưa kể dập vỡ khi vận chuyển nên câu “nâng như nâng trứng” không phải lời đùa. Trong khi đó, không thể có cách nào làm phòng lạnh bảo quản trứng. Vì vậy, công ty Ba Huân bắt buộc phải có dòng sản phẩm chế biến sâu để gia tăng giá trị và hạn chế các thiệt hại như lạp xưởng, gà quay, gà viên, bánh flan….

Cái bắt tay với VinaCapital

Bà Ba Huân thành thật kể có nhiều quỹ đầu tư bày tỏ ý định hợp tác nhưng bà không chịu. Bà thấy VinaCapital là quỹ lớn và chung chí hướng. Hai bên đã đi đến thống nhất đầu tư 5 năm mới được thoái vốn, đồng thời cùng nhau mở rộng sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Vị giám đốc chân chất thừa nhận VinaCapital sẽ cử 3 – 5 người vào HĐQT để hỗ trợ Ba Huân làm công nghệ, phần mềm quản trị. “Họ chuyên nghiệp hơn mình, mình là công ty gia đình, họ hướng dẫn mình sẽ tốt hơn”, bà nói. Tuy nhiên, công việc cụ thể thế nào bà Huân chưa hình dung ra vì tất cả mới chỉ dừng lại ở bàn bạc, chưa bắt tay vào thực thi.

Bà Huân đặt nhiều kỳ vọng vào yếu tố quản trị từ VinaCapital sẽ giúp ích cho công ty. Về kế hoạch niêm yết sàn chứng khoán, bà nói chưa biết và cười: “Tôi rặt nông dân, họ tham gia giúp mình là được rồi”.

Sắp tới, ngoài việc mở rộng nhà máy từ số tiền VinaCapital đầu tư, bà Ba Huân còn muốn xuất khẩu trứng ra nước ngoài. Theo bà, hiện có các công ty ở Nhật Bản, Hong Kong đã ngỏ ý mua sản phẩm, trong đó thị trường Nhật tìm hiểu trứng gà, thịt gà còn Hong Kong chuộng trứng vịt muối.

Con số cụ thể về nhu cầu thị trường, bà Huân chưa có nhiều số liệu cụ thể nhưng người phụ nữ bé nhỏ của miền Tây vẫn kiên quyết tìm đến một hướng đi xuất khẩu. Bà nghĩ đơn giản rằng, thanh long vú sữa, nông sản Việt đi nước ngoài hết rồi, cớ gì trái trứng không thể đi. Trong khi Ba Huân có đủ điều kiện công nghệ, sản phẩm lại tốt thì không thể không thử.

Bà nhìn nhận ngành nông nghiệp cũng như chăn nuôi gia cầm trong thời gian gần đây được Chính phủ, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển nên người nông dân, người làm kinh doanh cũng bớt cơ cực. Một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, xuất khẩu được sản phẩm nào thì người nông dân cũng đỡ lao đao, khốn đốn. Điều tâm niệm đó là động lực để bà Ba Huân vượt lên các trở ngại, đồng hành cùng người nông dân đưa trái trứng sạch tới tay người tiêu dùng.

VinaCapital cho rằng dịch bệnh, cụ thể là các đợt dịch cúm gia cầm, là mối quan tâm hàng đầu khi xem xét đề xuất đầu tư vào Ba Huân. Tuy nhiên, quỹ nhận thấy Ba Huân đã xây dựng các quy trình phòng ngừa chặt chẽ và các phương án ứng phó khi dịch bệnh xảy ra. Quỹ tin tưởng vào chuyên môn của doanh nghiệp trong việc phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro xảy ra dịch bệnh nhờ vào các quy trình và tiêu chuẩn nghiêm ngặt trên mọi khâu.

Trên cương vị là nhà đầu tư chiến lược của Ba Huân, VinaCapital đặt ra mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện các quy trình sản xuất hiện tại và tiếp tục nâng cấp các tiêu chuẩn về phòng chống dịch bệnh. Quỹ này đánh giá công ty có đầy đủ tiềm năng để niêm yết trên sàn chứng khoán trong khoảng 3-5 năm tới.

VinaCapital ước tính công ty Ba Huân sẽ đạt doanh thu hơn 90 triệu USD trong năm 2018 và quỹ sẽ xem xét tăng thêm vốn đầu tư trong 12 tháng tới nếu công ty đạt mục tiêu kinh doanh theo thỏa thuận giữa đôi bên.

Theo Người đồng hành/Nhịp sống số

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *