Sáng 24/2/ 2018, tại số 07 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM, nhân ngày Thầy Thuốc Việt Nam, Hội Quán Các Bà Mẹ và OneHealth có buổi họp mặt các bác sĩ là thành viên trong ban cố vấn của Hội gồm: Th.s BS Nguyễn Lan Hải, BS Đỗ Hồng Ngọc, BS Nguyễn Ban Mai, TS BS Đinh Thạc…
Nội dung của buổi gặp gỡ, trao đổi xung quanh vấn đề về Stress. Người ta hay nói đến từ “stress” để chỉ sự căng thẳng lo âu. Rất nhiều thứ khiến người ta bị stress và phải tìm đến thầy thuốc. Vậy thầy thuốc có bị stress không? Stress và hệ lụy thế nào? Khi thầy thuốc bị stress thì còn nguy hơn bệnh nhân? Bác sĩ có ý kiến gì về việc cải thiện mối quan hệ thầy thuốc với bệnh nhân và nên làm gì để giữ được tâm trạng quân bình cho thầy thuốc?
BS Nguyễn Lan Hải và BS Đỗ Hồng Ngọc trò chuyện trực tiếp tại buổi giao lưu.
Theo BS Nguyễn Lan Hải, thống kê gần đây của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy: khoảng 20% dân số thế giới đang bị căng thẳng quá mức trong công việc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định stress đang là mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe cộng đồng trong thế kỷ 21!
Tại Việt Nam, số người bị stress trên cả nước ước chừng hơn 52%.
BS Nguyễn Lan Hải và BS Đỗ Hồng Ngọc trò chuyện trực tiếp tại buổi giao lưu.
Nhiều câu hỏi thú vị được đặt ra với các bác sĩ tại buổi trò chuyện liên quan đến Stress và nói đến stress thì bác sĩ có mắc phải stress không? khi thầy thuốc stress có làm ảnh hưởng đến bệnh nhân hay không?
Th.s BS Nguyễn Lan Hải chia sẻ: Có nhiều lý do dẫn tới stress, trong đó có áp lực công việc. Trong cuộc sống đôi khi xảy xung đột giữa người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế, cũng như bác sĩ, áp lực trong công việc dẫn đến các bác sĩ bị stress… Trong trường hợp này, bác sĩ phải làm gì để giải tỏa căng thẳng?
“Để giảm stress cho bác sĩ thì người bệnh, thân nhân người bệnh nên hợp tác tốt với bác sĩ, khai đúng, khai thật triệu chứng bệnh, tuân thủ liệu trình điều trị… vì thái độ của bệnh nhân cũng là một trong những nguyên nhân gây ra stress cho bác sĩ.” Chuyên gia nói.
Những vấn đề nhỏ nhặt trong cuộc sống đều khiến chúng ta trở nên trầm cảm, vì vậy đừng coi thường bất cứ vấn đề nào nếu như nó chưa được giải quyết.
Còn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM nói “Phải tôn trọng và thông cảm lẫn nhau” , bác sĩ Ngọc kể: có một bé gái 16 tuổi bị nổi mụn đầy mặt, tới gặp bác sĩ da liễu nhưng vị bác sĩ đó chỉ hỏi vài câu qua loa rồi đưa toa thuốc. Bé gái ra về trong tâm trạng lo âu, bức xúc, thậm chí cô bé còn có ý định tự tử!
BS Đỗ Hồng Ngọc và Th.s, B.s Nguyễn Lan Hải cùng giao lưu với mọi người.
Ảnh: Hoàng Long
Bác sĩ Ngọc phân tích: tâm lí bệnh nhân luôn trong trạng thái lo âu, căng thẳng, còn ở khía cạnh bác sĩ thì do hằng ngày tiếp xúc nhiều bệnh nhân và nhiều căn bệnh nên có sự bình thản. Chính điều này khiến cho hai bên xung đột. Nếu được bác sĩ cũng chia sẻ thì tâm lí của bệnh nhân sẽ ổn định, bình tĩnh hơn nhiều.
“Ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước khá văn minh, việc bác sĩ bị hành hung vẫn xảy ra. Bác sĩ không chỉ bị đe dọa bằng vũ lực mà còn bị ảnh hưởng về mặt tinh thần như phải nghe những lời lẽ xúc phạm, thái độ không phải của người nhà bệnh nhân…” – Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói thêm.
Theo BS Đỗ Hồng Ngọc, có ba nguyên tắc cần được áp dụng trong quá trình khám chữa bệnh để hạn chế những mâu thuẫn, xung đột,.
Thứ nhất, sự tôn trọng bệnh nhân.
“Khi tiếp xúc bệnh nhân là gái mại dâm, mình cũng tôn trọng họ như đối với bệnh nhân là hoa hậu. Nếu không tôn trọng người ta thì sẽ không truyền thông được”
Thứ hai, sự chân thành của bác sĩ đối với bệnh nhân của mình.
Cuối cùng, đó là sự thấu cảm, đặt mình vào vị trí bệnh nhân để hiểu rõ ngọn ngành nỗi đau khổ của họ.
BS Đỗ Hồng Ngọc chia sẻ: những lúc căng thẳng, ông uống cà phê với bạn bè, đọc sách, xem phim, làm thơ hoặc chuyển âu lo sang một hướng khác tích cực hơn…
Hiện nay có xu hướng sử dụng thiền cho những y, bác sĩ để tâm họ thanh tịnh, ổn định, từ đó giúp giảm bớt những sai lầm do căng thẳng, giảm tỷ lệ xung đột với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, BS Đỗ Hồng Ngọc cho biết. ” Những trường y nên giảng dạy về thiền học. Còn sống, còn yêu, còn phấn đấu là còn stress” BS Đỗ Hồng Ngọc nói.
Đông đảo người nghe cùng đến tham gia, đặt câu hỏi trong buổi trò chuyện.
“Stress nhắc nhở mỗi người phải biết chăm sóc sức khỏe, cảm xúc và tinh thần. Chúng ta cần suy nghĩ tích cực rằng còn sống, còn yêu, còn phấn đấu là còn stress. Mình không thể tránh được stress, cho nên biết chọn cách chấp nhận, đón nhận và vui nhận đối với stress”, bác sĩ Lan Hải nói.
Chị Thanh Thúy-Hội Trưởng Hội Quán Các Bà Mẹ chia sẻ thông tin.
Chị Thanh Thúy- Hội Trưởng Hội Quán Các Bà Mẹ chia sẻ về nguồn hướng dẫn thông tin có tính ứng dụng cao và đáng tin cậy dành cho nhiều gia đình có thể sử dụng: DR.OH – Bác Sĩ Nhà Tôi.
Ứng dụng được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, áp dụng những vấn đề thực tiễn trong việc tạo ra các giá trị quan trọng cho ngành y, Dr. OH – Bác Sĩ Nhà Tôi sẽ giúp chúng ta biết được tình trạng sức khỏe bản thân mọi lúc mọi nơi.
Đây là một ứng dụng giúp người dùng dễ dàng gọi và tư vấn Bác sĩ, giải đáp nỗi lo lắng, thắc mắc kịp thời về sức khoẻ.
Bên cạnh đó, người dùng có thể tương tác bằng cách nhắn tin chat, video call cùng bác sĩ. Dr. OH – Bác Sĩ Nhà Tôi còn có nhiều tính năng khác như theo dõi tình trạng sức khỏe, đặt lịch hẹn khám chữa bệnh tại nhà, giúp khách hàng chăm sóc sức khoẻ cho gia đình toàn diện thông qua các dịch vụ khám tại nhà, tầm soát ung thư …
Ứng dụng được cung cấp miễn phí trên Google Play (Android) và App Store (iOS).
Hãy là những người phụ nữ vui vẻ trong cuộc sống của mình.
PV