Trăn trở của một nghệ nhân

Về thăm căn nhà của nghệ nhân Nguyễn Phú Huynh ở một quận vùng ven TP.HCM, những sản phẩm gỗ khảm xà cừ chen chúc trong một không gian khá chật hẹp. Những bức trướng, những bức bình phong bên cạnh những bức tranh phong cảnh, tranh nhân vật nhiều kích cỡ khác nhau, có cái cỡ lớn 5-7 m, nhưng cũng có những sản phẩm nhỏ để bàn như bức chân dung, tranh phong cảnh, lọ hoa, đồ phong thủy… sắc sảo, công phu.

Sinh ra tại xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội trong một gia đình có nghề truyền thống gỗ khảm xà cừ. Nghề khảm xà cừ có từ những đời trước vào những năm 1930. Sau đó, cha ông là nghệ nhân Nguyễn Phú Hữu đã tiếp nối nghề truyền thống gia đình. Đó là thời hoàng kim của nghề gỗ khảm xà cừ.

Trải qua những thăng trầm của thời cuộc, nghề này có lúc gần như ngưng hẳn. Cho đến năm 1960, Hợp tác xã Tân Mỹ thành lập, ông Hữu tham gia và sản xuất được nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Liên Xô như:  bàn cờ  gỗ,  khay  trà, album gỗ… Những sản phẩm  gần gũi với cuộc sống, nhưng qua bàn tay tài hoa của người cha – người thợ đã khiến cho tâm hồn bé nhỏ của cậu học trò Nguyễn Phú Huynh thích thú, say mê.

Đến lúc lớn, với sự chăm chỉ và yêu thích nghề, ngoài giờ đến trường, ông theo cha học nghề và ông đã làm được các sản phẩm như: cánh cửa tủ trà, khay trà, sập gụ… vào năm 16-17 tuổi. Thời ấy, hàng bán rất chạy và ông sắm được cả xe đạp để đi. Năm 20 tuổi ông đã dành được tiền phụ cha xây nhà gạch.

Gắn bó với nghề, luôn tìm tòi sáng tạo và không ngừng học hỏi kinh nghiệm, sản phẩm của ông ngày càng tinh xảo điêu luyện. Những sản phẩm ra đời đều lấy ý tưởng từ những  nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, trong tác phẩm văn hóa; từ truyện kể phong tục tập quán Việt Nam đến phong cảnh quê nhà.

Những tác phẩm như: bức tranh treo tường “ Hội tụ tỏa sáng” dài 7,6m cao 1,5m; bức bình phong Lý Công Uẩn xây dựng kinh đô cao 1m dài 2,5m; bộ tranh Kiều 40 bức… là những tác phẩm nghệ thuật khảm gỗ độc đáo, công phu. Những sản phẩm này không chỉ tinh xảo về đường nét mà rất sống động vì tác giả đã đưa tình cảm của mình vào từng chi tiết của tác phẩm.

Sản phẩm của ông được nhiều người yêu thích vì ý nghĩa và tính nghệ thuật của tranh. Với thương hiệu Sắc Việt, nghệ nhân Nguyễn Phú Huynh mong muốn giữ gìn bản sắc dân tộc và khẳng định các sản phẩm này do người Việt sản xuất.

Trăn trở hiện nay của ông là đầu ra cho sản phẩm. Ông tâm sự, cũng như một số ngành nghề khác, kinh tế khó khăn hiện nay đã ảnh hưởng đến sức mua, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm hơn so với trước đây. Tuy vậy, đam mê nghề vẫn không hề giảm trong lòng người nghệ nhân.

Yêu nghề và gắn bó với nghề, song các thành viên trong gia đình ông không ai kế thừa nghề truyền thống, đây cũng là nỗi niềm của nghệ nhân Nguyễn Phú Huynh. Tuy nhiên, ông vẫn có những học trò rất yêu nghề và được ông tận tâm đào tạo thành những người thợ giỏi. Đó cũng là mục tiêu mà ông luôn hướng đến. Niềm vui của nghệ nhân Nguyễn Phú Huynh trong những ngày đầu năm 2016 là vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *