Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa án phải xét xử kín.
Chánh án TAND Tối cao vừa ban hành Thông tư 02/2018/TT-TAND quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Theo đó, khi giải quyết vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, chánh án tòa án phân công thẩm phán, hội thẩm phải bảo đảm các điều kiện: Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Có một hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
Phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.
Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của TAND (không mặc áo choàng).
Đáng chú ý, theo hướng dẫn tại thông tư, đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa án phải xét xử kín.
Đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Đặc biệt, không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.
Những người sau đây phải có mặt tại phiên tòa theo quyết định của tòa án: Người đại diện của người dưới 18 tuổi; đại diện nhà trường; đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạt. Trường hợp những người này vắng mặt lần thứ nhất hoặc vắng mặt lần thứ hai vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì tòa án phải hoãn phiên tòa. Vắng mặt lần thứ hai không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhưng để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi thì tòa án cũng có thể hoãn phiên tòa.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-12-2018.
Trong quá trình xét xử vụ án, HĐXX phải cách ly người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo trong những trường hợp sau đây: Những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán;
Những vụ án có người bị hại là người dưới 10 tuổi; Những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện của họ và HĐXX xét thấy cần phải cách ly để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
Thông tin về diễn biến phiên tòa cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ khi cách ly được truyền qua hệ thống truyền hình trực tuyến có âm thanh hoặc được thực hiện bằng phương thức khác nhưng phải bảo đảm cho họ theo dõi đầy đủ diễn biến phiên tòa và thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.
Người đại diện, người giám hộ, chuyên gia hoặc cán bộ tâm lý-xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em phải có mặt ở phòng cách ly để hỗ trợ người bị hại tham gia phiên tòa. |
Theo PLO