Vì sao VKS kháng nghị vụ vợ chồng Trung Nguyên?

Nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng, việc đánh giá chứng cứ và những quyết định bản án đã được kháng nghị chỉ ra.

Ngày 12-4, VKSND TP.HCM đã có kháng nghị đối với bản án ly hôn sơ thẩm giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên). Bản kháng nghị dài 14 trang giấy đã phân tích nhiều điểm sai trong bản án sơ thẩm của TAND cùng cấp và đề nghị cấp phúc thẩm phải hủy án để xét xử lại từ đầu.

Giao cổ phần cho ông Vũ là tước quyền của bà Thảo

Trước hết, kháng nghị cho rằng bản án sơ thẩm không nhận định đầy đủ và nêu chính xác ý kiến của VKS tại phiên tòa ngày 27-3.

Tiếp đó là tòa sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự. Cụ thể, ngày 18-7-2016, ông Vũ có yêu cầu phản tố chia tiền, vàng và ngoại tệ mà bà Thảo gửi tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN, TMCP Ngoại thương VN, TMCP Đầu tư phát triển VN. Nhưng từ khi thụ lý yêu cầu này, thẩm phán không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trước khi mở phiên tòa. Tòa lồng ghép những thủ tục này trong quá trình xét xử và không được sự chấp nhận của bà Thảo là vi phạm các điều 48, 202, 203, 208 và 210 BLTTDS 2015.

Đối với số tiền 1.765 tỉ đồng tại ba ngân hàng do ông Vũ cung cấp nhưng đến khi tòa tuyên án thì số dư còn 1.313 tỉ đồng. HĐXX chưa xác minh làm rõ nguồn gốc hình thành số tiền, sau đó được chuyển đến đâu, thời gian nào, sử dụng vào mục đích gì và hiện nay ai quản lý. Theo VKS, chỉ khi làm rõ được mới đảm bảo việc chia tài sản chung của các đương sự. Điều này dẫn đến quyết định của bản án chưa chính xác, gây khó khăn cho việc thi hành án.

Đối với việc chia tài sản chung của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo là bảy công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, án sơ thẩm chia tỉ lệ 6:4 cổ phần là không phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình. Đồng thời, việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại các công ty này và trả chênh lệch cho bà Thảo là không công bằng. Vì cổ phần chưa được tính giá trị, giá trị thương hiệu, ngoài ra cổ đông còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền về thông tin kiểm soát trong công ty. Nếu chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại bảy công ty là đã tước mất quyền của bà Thảo theo quy định tại Điều 110, Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014.

Bản án sơ thẩm tính số tài sản của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo trong bảy công ty tổng cộng gần 5.738 tỉ đồng là chưa đúng. Số tiền đúng là 5.655 tỉ đồng (chênh lệch hơn 82 tỉ đồng) dẫn đến việc tòa tính số tiền được hưởng không đúng và tính án phí cũng sai.

Vì sao VKS kháng nghị vụ vợ chồng Trung Nguyên? - ảnh 1
Bản án sơ thẩm vụ ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên đã bị kháng nghị. Ảnh: PLO

Tuyên án vượt quá yêu cầu

Theo VKSND TP.HCM, bản án sơ thẩm tuyên thời gian ông Vũ cấp dưỡng cho các con tính từ năm 2013 đến khi các cháu trưởng thành, lao động và tự lập là chưa phù hợp với ý chí các đương sự tại phiên tòa và gây khó khăn cho việc thi hành án.

Kháng nghị là quyền của VKS

Chúng tôi biết có kháng nghị của VKSND TP.HCM đối với bản án sơ thẩm vừa tuyên nhưng do chưa biết cụ thể nội dung nên chưa có ý kiến gì. Việc kháng nghị là quyền của cơ quan VKS và thân chủ tôi cũng đã có đơn kháng cáo thể hiện quan điểm đối với bản án.

Một luật sư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Chúng tôi không có ý kiến!

Hiện nay chúng tôi không có ý kiến gì liên quan đến vụ án và việc kháng nghị của VKS. Bà Thảo chưa sẵn sàng để trả lời với truyền thông từ sau phiên tòa đến nay. Nhưng ý định của bà Thảo vẫn như từ trước đến nay là mong muốn và cố gắng đoàn tụ gia đình. Bà Thảo từng khẳng định không bao giờ bỏ cuộc.

Trợ lý của bà Lê Hoàng Diệp Thảo 

Trong khi HĐXX lại không tuyên đình chỉ giải quyết đối với các yêu cầu khởi kiện và phản tố đã rút là thiếu sót. Bản án áp dụng Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm căn cứ để tính án phí là chưa chính xác bởi vụ án thụ lý năm 2015.

Bản án sơ thẩm tuyên đình chỉ tất cả yêu cầu khác của ông Vũ và bà Thảo đối với các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên phát sinh trong các hoạt động kinh doanh thương mại với tư cách là cổ đông và thành viên công ty liên quan đến việc thành lập, chuyển nhượng, hoạt động, giải thể… và các hoạt động kinh doanh thương mại khác là vượt quá yêu cầu khởi kiện của các đương sự. Việc này không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án và gây khó khăn cho việc thi hành án.

Ngoài ra, bản án tuyên giao cho bà Thảo quản lý và sử dụng giá trị quyền sử dụng đất và sở hữu trị giá toàn bộ tài sản trên đất là chưa chính xác. Bởi bà Thảo được sở hữu tài sản chứ không phải sở hữu giá trị tài sản…

Cuối cùng, bản án tuyên kể từ ngày bà Thảo có đơn đề nghị thi hành án, ông Vũ không tự nguyện thi hành thì hằng tháng còn phải chịu lãi suất mức lãi suất quá hạn trung bình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với số tiền chưa thi hành án tương ứng và thời hạn chưa thi hành án là chưa đúng với Điều 357 BLDS 2015.

Từ đó VKSND đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu.

Bà Thảo, ông Vũ kháng cáo những nội dung gì?

Trước đó, ngày 5-4, bà Thảo nộp đơn kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Theo bà Thảo, tại tòa bà có quyết định rút đơn ly hôn nhưng HĐXX vẫn cưỡng ép ly hôn tức là không cho gia đình bà đoàn tụ. Về tài sản chung là cổ phần và phần góp vốn trong Tập đoàn Trung Nguyên thì việc định giá cổ phần và phần vốn góp là bắt buộc nhưng HĐXX không định giá. Bà Thảo cho rằng tòa án cấp sơ thẩm cố ý làm trái Điều 64 Luật Hôn nhân và Gia đình. Luật quy định vợ chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng. Theo đó, bà đương nhiên được nhận số cổ phần bà đứng tên sở hữu trong Tập đoàn Trung Nguyên nhưng HĐXX lại làm trái, đẩy bà ra khỏi tập đoàn.

Phía ông Vũ thì kháng cáo không đồng ý tỉ lệ chia như phán quyết của tòa sơ thẩm mà phải chia các tài sản tranh chấp là cổ phần Trung Nguyên theo tỉ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30%. Ông Vũ yêu cầu tòa án phúc thẩm phân chia phần tài sản chung theo tỉ lệ ông 70%, bà Thảo nhận 30%; công sức đối với phần vốn góp trong bảy công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và tổng số tiền bà Thảo giữ tại ba ngân hàng. Qua đó, ông thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo gần 449 tỉ đồng.

HOÀNG YẾN /PLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *