Cổ phiếu PTL của CTCP Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (Petroland) lên sàn chứng khoán vừa tròn 9 năm. Công ty sở hữu quỹ đất lớn, đẹp nhưng liên tục báo lỗ khủng khiến cổ phiếu mất 73% giá trị và mới đây, lãnh đạo vướng vào lao lý.
Thua lỗ triền miên
Petroland được thành lập trên cơ sở chuyển đổi Ban quản lý các dự án công trình xây dựng phía Nam của PetroVietnam thành CTCP vào năm 2007. Công ty được thành lập bởi các cổ đông có vốn sở hữu là doanh nghiệp nhà nước như: Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn (PVFI) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Đến nay, cổ đông lớn nhất của công ty là PVC sở hữu 36,43%, ủy viên HĐQT Đinh Việt Thanh sở hữu 15,24%, PV Oil sở hữu 9%, bà Nguyễn Thị Trường An sở hữu 5,59%. Đại diện vốn cho PVC (một công ty con của PetroVietnam với tỷ lệ sở hữu là 54,47%) tại Petroland là ông Ngô Hồng Minh, ông Bùi Minh Chính và ông Bùi Tiến Thành.
Là thành viên của PetroVietnam nên Petroland ưu ái quỹ đất lớn, đẹp tại TP.HCM, Nha Trang và Vũng Tàu để xây dựng trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, chung cư, sân golf… nhưng kết quả kinh doanh ngày càng thụt lùi. Nhiều dự án tiềm năng được công ty sang nhượng với giá rẻ mạt.
Trong 9 năm cổ phiếu niêm yết trên sàn, công ty có 5 năm báo lãi nhỏ giọt còn 4 năm báo lỗ đều với mức khủng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu chỉ 22 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế âm 6 tỷ đồng. Đến 30/6/2019, công ty có lỗ lũy kế đến 238 tỷ đồng, tài sản tập trung ở các khoản phải thu trị giá 546 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 45,9% tổng tài sản của công ty.
Các khoản phải thu này, tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam phải đưa ra ý kiến ngoại trừ. Theo đó, công ty có một số khoản phải thu tiền phạt do chậm tiến độ từ các bên thi công công trình với số tiền hơn 75 tỷ đồng từ CTCP Thiết bị Nội ngoại thất Dầu khí, CTCP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí, CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn nhưng vẫn chưa được các bên xác nhận.
Chính vì lợi nhuận kém cỏi như đã trình bày ở trên và vẫn còn ý kiến ngoại trừ từ Công ty TNHH Deloitte Việt Nam nên cổ phiếu PTL của Petroland vẫn chưa “thoát án” kiểm soát của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có từ năm 2017.
Cổ phiếu PTL có phiên giao dịch đầu tiên tại HOSE từ ngày 22/9/2010 với giá đóng cửa là 20.000 đồng/cổ phiếu. Do kết quả kinh doanh ngày càng đi xuống, cổ phiếu đã liên tục giảm giá từ ngày lên sàn. Đóng cửa ngày 4/10, PTL đạt 4.480 đồng/cổ phiếu làm cổ phiếu này mất 73% giá trị kể từ khi lên sàn đến nay khiến PVC, PV Oil lỗ nặng.
Lùm xùm chuyển nhượng tài sản
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Petroland tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, cổ đông lớn đồng thời là ủy viên HĐQT Đinh Việt Thanh cho rằng công ty chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Dầu khí Thăng Long vào năm 2016 cho CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh, nay là CTCP Tập đoàn Đất Xanh chưa thực hiện đúng pháp luật, làm thiệt hại đến vật chất cũng như quyền lợi của cổ đông và Petroland.
CTCP Đầu tư Dầu khí Thăng Long là liên doanh giữ Petroland (80%) và Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Anh Vũ (20%) làm chủ đầu tư dự án chung cư Thăng Long nằm ở khu vực quận 9, TP.HCM với tổng diện tích 6,26ha. Tháng 11/2016, công ty chuyển nhượng CTCP Dầu khí Thăng Long cho Tập đoàn Đất Xanh với giá 564 tỷ đồng. Tuy là chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp nhưng lại định giá đất với mức 9 triệu đồng/m2 chứ không phải định giá doanh nghiệp. Điều này chưa rõ ràng, tiềm ẩn nhiều thiếu xót trong công tác định giá gây thiệt hại cho cổ đông. Vụ chuyển nhượng này chưa hoàn thành 100% vì công ty sẽ phải thanh toán cả tiền sử dụng đất cho Tập đoàn Đất Xanh, tương đương 500 tỷ đồng. Cổ đông bức xúc bán hơn 6ha đất tại quận 9 chỉ thu vài chục tỷ đồng.
Một dự án nữa liên quan tới Tập đoàn Đất Xanh là bán 90,8% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Dầu khí Nha Trang (INT), tương đương 28,65 triệu cổ phiếu với giá chỉ 330 tỷ đồng vào đầu năm 2018.
INT là chủ đầu tư dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh với diện tích 172ha. Dự án này có vị trí đắc địa tại Cam Ranh với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, trong đó INT đã đặt cọc 100 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Khánh Hòa trong nhiều năm nay.
Đầu năm 2019, Tập đoàn Đất Xanh chuyển nhượng 28,65 triệu cổ phiếu INT cho doanh nghiệp khác thu về 1.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án Petroland Tower (12 Tân Trào, Q.7, TP.HCM) được cấp phép từ tầng 23 là tầng kỹ thuật, tầng 24-30 là căn hộ công vụ cho cán bộ công ty khi vào TP.HCM công tác nhưng công ty tự ý làm 67 căn hộ chung cư để bán khiến khách hàng không thể có sổ đỏ.
Giám đốc gây thiệt hại 100 tỷ đồng
Ông Bùi Minh Chính vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt tạm giam với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Petroland. Kết quả điều tra bước đầu xác định, với tư cách là Giám đốc Petroland, Bùi Minh Chính đã ký hợp đồng, duyệt thanh toán nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và ký hợp đồng bán bất động sản của Petroland trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Petroland gần 100 tỷ đồng. Ông Bùi Minh Chính (SN 1961 tại Nam Định) tham gia Petroland từ năm 2007 và giữ chức Giám đốc từ 5/2009 – 29/8/2018. Ngoài ra, Bùi Minh Chính còn tham gia HĐQT với vai trò ủy viên từ 20/4/2011 – 29/6/2017, Chủ tịch từ 29/6/2017 đến nay. Trong giai đoạn Bùi Minh Chính làm Giám đốc, người giữ vị trí Chủ tịch HĐQT là ông Ngô Hồng Minh từ 5/2009 – 29/6/2017. |
THEO TRÍ NGUYỄN/NGUOITIEUDUNG